Chảy máu chân răng là hiện tượng nhiều người gặp phải khi đánh răng mỗi ngày. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài có phải dấu hiệu của bệnh ung thư hay không. Dưới đây, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể nguyên nhân gây chảy máu chân răng và cách khắc phục hiệu quả nhất nhé.
Mục lục
Tìm hiểu nguyên nhân gây chảy máu chân răng thường xuyên
Nguyên nhân gây chảy máu răng thường xuyên có thể xuất phát từ cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Ví dụ như các bệnh răng miệng, bàn chải đánh răng quá cứng,…
– Viêm nướu
Viêm nướu là tình trạng nướu bị kích ứng, sưng đỏ và chảy máu khi đánh răng. Điều này do mảng bám tích tụ lâu ngày quanh chân răng mà không được làm sạch tạo thành đường viền quanh chân nướu.
– Viêm nha chu
Viêm nha chu sẽ có diễn biến nặng hơn so với viêm nướu. Nó làm hỏng mô, xương nâng đỡ của răng. Nướu bị nhiễm trùng, dễ chảy máu, miệng có mùi hôi, vị khó chịu trong miệng. Nếu không điều trị bệnh nha chu, bạn có thể bị mất một số răng.
Giải đáp: Bị viêm nha chu có niềng răng được không?
– Bệnh tiểu đường
Chảy máu chân răng thường xuyên cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường. Lúc này, cơ thể khó chống lại vi khuẩn nên bạn dễ nhiễm trùng vùng răng nướu.
– Bị sốt xuất huyết
Ở giai đoạn nặng của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể bị chảy máu chân răng thường xuyên hơn. Đi kèm với đó là các dấu hiệu như chấm đỏ dưới da, buồn nôn, người mệt lả, không có sức lực. Bạn nên theo dõi cẩn thận và điều trị ngay tránh hậu quả nghiêm trọng.
– Thiếu vitamin
Một số vitamin như vitamin C, K đều có ảnh hưởng tích cực với sức khoẻ răng miệng. Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch, phát triển các mô trong cơ thể. Vitamin K giúp đông máu nhanh, hiệu quả hơn. Tuy chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng nếu thiếu chúng, bạn sẽ thấy hiện tượng chảy máu chân răng, nướu sưng, cơ thể mệt mỏi.
– Thay đổi nội tiết tố
Với các chị em, nội tiết tố thường có sự biến đổi trong những giia đoạn quan trọng như tuổi dậy thì, kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh. Chính sự gia tăng của nội tiết tố làm tăng lưu lượng máu đến nướu, làm chúng đỏ, sưng, nhạy cảm và dễ chảy máu chân răng.
– Hút thuốc lá
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ở Hoa Kỳ, hút thuốc là nguyên nhân chính gây bệnh viêm nướu. Các chất độc hại như Nicotin trong thuốc lá làm giảm hệ miễn dịch của cơ thể và sức khoẻ răng miệng, vi khuẩn tích tụ lâu ngày dẫn tới chảy máu chân răng.
– Căng thẳng
Một nghiên cứu khác của nhà khoa học cho thấy mối quan hệ giữa bệnh nha chu và sự căng thẳng. Nếu tinh thần bạn căng thẳng quá mức sẽ tác động tiêu cực tới hệ miễn dịch, khiến cho nướu tổn thương, bị chảy máu chân răng.
– Đánh răng quá mạnh
Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà nhiều người bị chảy máu chân răng khi dùng lực quá mạnh. Nướu rất mỏng manh nên chải răng sai cách có thể làm tổn thương nướu nhanh chóng.
Tư vấn: Đánh răng bị chảy máu có sao không?
– Hóa trị
Người đang hóa trị cũng có thể gặp tình trạng chảy máu chân răng do tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân phải đối mặt với chứng viêm miệng, gây vết loét ở nướu.
– Dấu hiệu của ung thư
Chảy máu chân răng trở thành dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh ung thư như ung thư miệng, ung thư gan,… mà bạn không nên bỏ qua.
Chảy máu chân răng có phải bị ung thư không?
Tuy chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng chảy máu chân răng cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh ung thư bao gồm cả ung thư miệng hoặc ung thư ở các bộ phận khác.
Ung thư miệng
Ung thư miệng hay ung thư khoang miệng là do sự phát triển quá mức của tế bào niêm mạc bao phủ toàn bộ khoang miệng. Ung thư này thường gặp ở người có độ tuổi 50- 70 tuổi và đa phần là nam giới khi họ thường xuyên hút thuốc lá.
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng ung thư miệng cũng tương tự như triệu chứng viêm nhiễm bình thường gồm có chảy máu chân răng. Đến khi bệnh tiến triển nặng hơn thì dấu hiệu mới rõ ràng như: đau khoang miệng, loét miệng kéo dài, thay đổi màu sắc niêm mạc, sưng hạch, vận động lưỡi và tri giác kém,…
Ung thư vú
Theo thống kê của Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2020) thì tại Việt Nam, căn bệnh ung thư vú thường gặp nhất với hơn 21.000 ca mắc mới, chiếm tỷ lệ lên tới gần 25,8% tổng số ca ung thư. Khi chuyển thành ác tính, tế bào sẽ lan rộng ra toàn bộ vú và di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể. Hầu như các triệu chứng của ung thư vú xuất hiện trước khi khối u được phát hiện. Ví dụ như sự thay đổi về hình dạng, kích thước của vú, vết thâm sạm, vảy trên vú, hoặc chảy máu chân răng. Đặc biệt với phụ nữ mãn kinh, bị chảy máu chân răng có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn 15% so với người khác. Nếu thấy hiện tượng này, bạn cần đến gặp sĩ để được kiểm tra cụ thể.
Ung thư máu
Ung thư máu được biết đến là hiện tượng lượng bạch cầu tăng quá nhanh và quá nhiều trong thời gian ngắn, dẫn tới tình trạng phá huỷ hồng cầu, làm người bệnh bị thiếu hụt. Cơ thể bệnh nhân sẽ dễ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, luôn mệt mỏi và thường bị chảy máu chân răng.
Nếu thấy trên da xuất hiện vết bầm tím bất thường, chảy máu chân răng thì bạn đến gặp bác sĩ ngay để làm các xét nghiệm cần thiết. Nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm sẽ giúp kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.
Ung thư gan, xơ gan
Tỷ lệ người mắc ung thư gan và xơ gan ngày càng tăng cao trong thời gian qua. Ung thư gan là tình trạng khối u ác tính phát sinh trong gan dẫn đến phá hủy các tế bào gan, cản trở khả năng hoạt động của cơ quan này. Ung thư gan được chia thành 2 loại chính là: ung thư gan nguyên phát (do chính tế bào trong gan) và ung thư gan thứ phát (do các tế bào từ cơ quan khác di căn đến gan như ung thư vú, ung thư phổi,…).
Triệu chứng điển hình của ung thư gan là vàng da, giảm cân, cơ thể mệt mỏi và có thể đi kèm với chảy máu chân răng.
Có thể bạn quan tâm: Bị chảy máu chân răng là thiếu chất gì?
Xử lý thế nào khi chảy máu chân răng?
Nếu đang bị chảy máu chân răng mà muốn cầm máu ngay tức thời, bạn có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây.
Sử dụng gạc để cầm chảy máu chân răng
Bạn có thể dùng 1 miếng gạc sạch, ẩm và áp vào vùng răng bị chảy máu. Ấn nhẹ miếng gạc cho đến khi máu ngừng chảy là được. Sau đó, bạn súc miệng nhẹ nhàng với nước sạch.
Sử dụng nước đá
Một cách khác là bạn dùng một túi nước đá nhỏ hoặc một viên đá lên vùng nướu bị sưng, chảy máu. Đá lạnh lúc này sẽ làm dịu vết thương, giảm đau và sưng hiệu quả. Bạn chườm trong khoảng 5- 10 phút rồi nghỉ ngơi. Nếu máu không ngừng chảy, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Sử dụng nước muối ấm
Súc miệng bằng nước muối ấm giúp diệt khuẩn và đẩy nhanh thời gian làm lành vết thương, ngăn chặn tình trạng chảy máu chân răng. Bạn pha ½ thìa muối vào cốc nước ấm, khuấy tan rồi ngậm hoặc súc miệng trong một phút. Cuối cùng súc miệng lại với nước sạch.
Sử dụng nước súc miệng
Nước súc miệng chuyên dụng có thể điều trị và ngăn ngừa tình trạng chảy máu chân răng. Chúng tiêu diệt vi khuẩn còn sót lại trong khoang miệng, giảm viêm, làm dịu phần nướu bị sưng, đau, chảy máu. Ngoài ra, nước súc miệng còn ngăn ngừa viêm nướu.
Sử dụng bột nghệ
Bột nghệ có khả năng diệt khuẩn, kháng viêm tương đối hiệu quả nhờ thành phần curcumin dồi dào. Bạn đắp một chút bột nghệ lên vùng nướu bị viêm, chảy máu. Chờ một chút rồi súc miệng lại sạch sẽ.
Sử dụng túi trà
Bạn có thể sử dụng một túi trà đen hơi ẩm và áp vào vùng nướu răng bị chảy máu, ấn nhẹ tạo áp lực cho đến khi máu ngừng chảy. Thành phần axit tannic trong trà đóng vai trò giúp hình thành cục máu đông, giảm sưng đau hiệu quả.
Sử dụng thuốc điều trị
Để trị chảy máu chân răng, bạn dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ như Amoxicillin, Metronidazol,… Tuy nhiên hãy sử dụng đúng liều lượng, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng khi không có bất kỳ chỉ định nào từ phía chuyên gia.
Xem thêm: Lợi dễ bị chảy máu có niềng răng được không?
Chảy máu chân răng khi nào đáng lo?
Chảy máu chân răng khi nào đáng lo là câu hỏi của nhiều người. Nếu thi thoảng bị chảy máu chân răng, bạn không cần quá lo vì chỉ khoảng vài ngày là khỏi. Nhưng tình trạng này xảy ra thường xuyên thì có thể dẫn tới viêm nướu cấp tính và ảnh hưởng đến việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Chảy máu chân răng nếu không tìm hiểu nguyên nhân và xử lý sớm không chỉ tổn thương răng mà còn các tổ chức bao quanh răng, thậm chí là khiến răng rụng sớm. Ngoài ra, chảy máu chân răng còn nguy hiểm với các đối tượng nhạy cảm như:
– Người mắc bệnh tiểu đường hoặc tim mạch: Làm tăng lượng đường trong máu và gây một số biến chứng như viêm nội tâm mạc, tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, thậm chí là đột quỵ.
– Phụ nữ đang mang thai: Tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ, dẫn đến sinh non, bị nhẹ cân.
Phòng ngừa chảy máu chân răng tại nhà
Các thói quen sinh hoạt hằng ngày ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ răng miệng. Do vậy bạn có thể phòng ngừa chảy máu chân răng tại nhà với những lưu ý dưới đây.
Vệ sinh răng miệng đúng cách
– Chọn bàn chải đánh răng
Trước tiên, bạn chọn bàn chải đánh răng có kích thước phù hợp, đầu nhỏ, lông mềm mại. Đánh răng 2 lần/ngày vào sáng và tối. Khoảng 3 tháng, bạn nên đổi bàn chải đánh răng một lần. Nếu thích sự tiện lợi hơn với nhiều tính năng, bạn có thể chọn bàn chải điện.
– Chọn kem đánh răng
Tiếp đến, bạn chọn kem đánh răng phù hợp với sức khoẻ răng miệng. Tốt nhất chọn sản phẩm có chứa nồng độ Flouride vừa đủ, đừng quá nhiều sẽ dễ bào mòn men răng.
– Đánh răng đúng cách và cẩn thận
Thao tác đánh răng cũng rất quan trọng giúp bạn loại bỏ sạch sẽ vụn thức ăn, mảng bám và vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng. Ngoài ra, chúng sẽ hạn chế được tình trạng bị chảy máu chân răng hoặc tổn thương nướu. Cụ thể:
- Bạn để bàn chải nằm ngang, nghiêng 1 góc khoảng 45 độ so với viền nướu. Đầu lông bàn chải tiếp xúc với cả răng và nướu
- Sau đó chải nhẹ nhàng mặt ngoài của tất cả răng ở hàm trên và hàm dưới với khoảng cách 2- 3 răng (hàm trên xuống và hàm dưới lên). Hoặc bạn xoay tròn bàn chải răng cho lông bàn chải có thể chui được vào từng kẽ răng, từ 5- 10 lần
- Bạn chải mặt trong của răng hàm trên và hàm dưới tương tự như mặt ngoài bằng cách chải lên, chải xuống hoặc xoay tròn.
Khi đánh răng, bạn chú ý vệ sinh cả lưỡi vì trên lưỡi cũng tích tụ nhiều vi khuẩn, mảng bám làm cho hơi thở có mùi.
– Dùng chỉ nha khoa, máy tăm nước
Sau khi đánh răng xong, bạn nên dùng thêm chỉ nha khoa để lấy đi các thức ăn vụn bị nhét trong kẽ răng. Máy tăm nước giúp làm sạch khoang miệng ở vị trí khuất sâu mà bàn chải không tới được.
– Dùng nước súc miệng chuyên dụng
Sau khi đã thực hiện những việc ở trên, bạn kết thúc bằng nước súc miệng chuyên dụng. Nó giúp giảm lượng axit trong miệng, loại bỏ triệt để vi khuẩn, mảng bám và tái khoáng hóa cho răng.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Các chất dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng với sức khoẻ răng miệng. Nhiều người không biết rằng, bị chảy máu chân răng có thể do cơ thể bạn đang thiếu một số vi chất cần thiết như canxi, kẽm, photpho, vitamin C, K, E,… Để khắc phục tình trạng trên, mọi người chú ý bổ sung thực phẩm tốt cho răng miệng và loại bỏ các thực phẩm “xấu”. Ví dụ như:
– Thực phẩm tốt cho răng miệng
- Sữa chua, phô mai và các sản phẩm khác từ sữa: Chúng đều có hàm lượng canxi cao giúp xương chắc khỏe. Ngoài ra, thực phẩm này còn khuyến khích cơ thể tiết ra nhiều nước bọt hơn để làm sạch các hạt thức ăn li ti.
- Các loại hạt và protein nạc như thịt heo, cá, thịt gia cầm, đậu phụ, trứng,…: Có nhiều chất đạm, canxi, photpho giúp xây dựng, sửa chữa các mô bị mòn, cân bằng độ pH trong miệng, ngăn vi khuẩn phát triển.
- Thực phẩm chứa magie như ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, lúa mạch,…): Giúp củng cố men răng và xương hàm.
- Thực phẩm chứa vitamin C như cam, bưởi, chanh, dâu tây, kiwi, táo, nam việt quất: Chúng giàu chất chống oxy hóa giúp duy trì sức khỏe khoang miệng.
- Trái cây và rau củ chứa vitamin B, axit folic, canxi, chất xơ: Chúng thúc đẩy sản xuất nước bọt làm sạch miệng, trung hòa axit gây hại cho răng, củng cố men răng.
- Nước, trà và đồ uống không đường: Chúng làm sạch, ngăn ngừa vi khuẩn dẫn đến sâu răng, giúp răng chắc khỏe hơn.
– Thực phẩm cần tránh để bảo vệ răng
- Hạn chế tối đa các loại thực phẩm có nhiều đường và axit như kẹo, trái cây ngọt, đồ ăn nhanh,…
- Không nên uống quá nhiều rượu, bia, café, nước ngọt có ga,…
- Hạn chế các món ăn quá cay, nóng hoặc lạnh vì chúng đều dễ tổn thương đến vùng nướu
- Hạn chế các thực phẩm quá cứng hoặc quá dai như đá viên, đùi gà chiên, bánh nếp,…
Loại bỏ thói quen xấu
Những thói quen xấu hằng ngày lặp đi lặp lại cũng làm cho răng và nướu bị tổn thương dẫn tới chảy máu răng. Nếu thấy hành động dưới đây, bạn tìm cách khắc phục hoặc loại bỏ càng sớm càng tốt.
- Đánh răng không đúng cách, dùng lực quá mạnh, dùng bàn chải đánh răng có lông cứng
- Dùng tăm xỉa răng sẽ làm cho khoảng cách giữa các răng ngày càng thưa, dễ đâm vào nướu răng
- Ăn vặt thường xuyên, lạm dụng thực phẩm có nhiều đường
- Nhai đá viên cứng có thể làm mẻ, nứt răng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập
- Cắn các vật cứng như dùng răng xé bao bì, nắp chai, giật mác quần áo,…
- Chứng nghiến răng khi ngủ hoặc khi lo lắng. Chúng dễ làm mòn men răng và tổn thương nướu
Phòng ngừa chảy máu chân răng tại phòng khám
Ngoài cách phòng ngừa chảy máu chân răng ở trên, bạn nên đến phòng khám nha khoa thường xuyên hơn để chăm sóc sức khoẻ răng miệng.
Duy trì tần suất thăm khám 6 tháng/lần
Việc thăm khám nha khoa thường xuyên giúp bạn kiểm tra sức khoẻ răng miệng tốt hơn và sớm phát hiện các bệnh lý nguy hiểm nếu có. Bác sĩ sử dụng trang thiết bị hiện đại, chẩn đoán sau đó điều trị hiệu quả bệnh sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu,… Nếu không phát hiện sớm, chúng có thể làm rối loạn chức năng ăn nhai, rụng răng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần.
Lấy cao răng
Cao răng là sự vôi hoá mảng bám xung quanh răng từ thành phần canxi trong nước bọt và dịch nướu. Bạn chỉ có thể loại bỏ một phần thông qua đánh răng hoặc súc miệng. Đây cũng là “thủ phạm” chính gây chảy máu chân răng, bệnh viêm nha chu, lung lay răng. Để phòng tránh tác động xấu, bạn nên đến cơ sở nha khoa uy tín để loại bỏ cao răng ít nhất 6 tháng/lần trong năm. Sau khi hoàn thành, bạn sẽ thấy khoang miệng sạch sẽ, thơm tho, hạn chế tối đa tình trạng chảy máu chân răng.
Nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc liên quan đến vấn đề chăm sóc răng miệng, vui lòng liên hệ HOTLINE 093.186.3366 – 086.690.7886 hoặc đăng ký tư vấn (không mất phí) với bác sĩ nha khoa Thúy Đức để được hỗ trợ sớm nhất ĐĂNG KÝ